MENU
Giờ làm việc: 08h00 - 17h00

Vùng đất “rồng” vẫy gọi nhà đầu tư

Vùng đất “rồng” vẫy gọi nhà đầu tư

Với lịch sử hình thành trên 300 năm, nằm ở vị trí tiếp giáp phía Tây-Nam thành phố Hồ Chí Minh, là hành lang kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, hay nói cách khác là cửa ngõ kết nối Tp.HCM với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, Long An là một biểu tượng của sự phát triển mà nhiều nhà đầu tư vẫn thường xem là “vùng đất Rồng”.

Hạ tầng vượt bậc

Tốc độ phát triển cực nóng trong gần 30 năm đổi mới, địa phương đạt được những thành quả đáng khích lệ trong quá trình xây dựng kinh tế và tạo được những bước đột phá trong hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, dẫn đầu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long về thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Đặc biệt thời gian gần đây Long An thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản và cả người mua để ở là do cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện.

Hoàn chỉnh hàng loạt nhiều hệ thống giao thông kết nối các tỉnh cực kỳ quan trọng như các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1A với 30km chiều dài, Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, đường N2, Tỉnh lộ 10; đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Mới đây, UBND Tp.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng đoạn Bến Lức – Hiệp Phước theo hình thức Hợp tác công tư – Hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 6.273 tỷ đồng. Dự án đi qua các địa giới hành chính tỉnh Long An và Tp.HCM. Tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng vẫn chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục bùng nổ với nhiều dự án bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính, công viên, siêu thị đã và đang triển khai.

Tăng trưởng nóng

Đáng chú ý hơn, trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Long An được đánh giá là một trong những vùng kinh tế có nhiều tiềm năng, được quy hoạch thành khu đô thị mở của Thành phố. Mục tiêu chính là phát triển khu kinh tế trọng điểm gồm 9 huyện, thị phía Đông Nam bao gồm Tân An và huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa. Mục tiêu xây dựng vùng này thành khu vực có quan hệ trực tiếp với các hoạt động kinh tế – xã hội với TP. HCM, là cầu nối của sự nghiệp phát triển công nghiệp – dịch vụ từ TP. HCM tới toàn tỉnh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Vượt trội về các dự án đầu tư, Long An được ký cam kết với 4 dự án nổi bật, có tổng số vốn lên tới 14.300 tỷ đồng và 2,5 tỷ USD, gồm: Dự án trục giao thông Tiền Giang – Long An – TP.HCM đầu tư theo hình thức PPP trị giá 250 triệu USD do liên doanh Qeenland – Thái Sơn làm chủ đầu tư; Dự án Cụm công nghiệp Mekong, tổng vấn đầu tư 2,5 tỷ USD do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Mekong làm chủ đầu tư; Dự án đường Vành đai TP.Tân An theo hình thức PPP do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng; Dự án trục giao thông kết nối với đường Mai Bá Hương (Tp.HCM), đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn 2 huyện Bến Lức và Đức Hòa, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nhận định từ chuyên gia

Trong Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Long An 2016 diễn ra ngày 17/10 vừa qua, rất nhiều chuyên gia đã công nhận rằng Long An đang có rất nhiều thay đổi tích cực trong những năm gần đây.Trong đó, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách thương mại quốc tế của VCCI, Trọng tài viên trọng tài Quốc tế Việt Nam – GS.TS Võ Thanh Thu nhận định: “Long An hiện đang dẫn đầu 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 12 trong cả nước trong thu hút vốn FDI. Long An có lợi thế về thu hút vốn đầu tư nhờ vị trí địa lý thuận lợi khi giữ vai trò cầu nối giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long – vùng nông nghiệp lớn nhất Việt Nam và cũng là vùng nông sản nhiệt đới lớn của thế giới. Hệ thống giao thông thuận lợi về đường bộ lẫn đường thủy. Đồng thời, Long An cũng có sẵn hệ thống các khu công nghiệp nhiều và lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long…”

Cũng tại hội nghị này, ông Trần Văn Cần – Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Long An có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp khá lớn với hơn 13.500 ha đến năm 2020 và kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trong đó có 5.000 ha đất sạch sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư.

Ngày 16/10/2016 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng Đoàn lãnh đạo Chính phủ đã đến khảo sát công trường Cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Long An cùng các bộ, ngành liên quan chọn vị trí xây dựng cảng thuận lợi. Đồng thời ghi nhận những nỗ lực của chủ đầu tư vượt qua khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng đưa cảng vào hoạt động nhằm đẩy mạnh sự phát triển chung của địa phương, của vùng ĐBSCL cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư cần hoàn tất giai đoạn một để có thể đưa vào khai thác, đón được tàu vào tháng 11/2016.

Đây chính là thời điểm thuận lợi để vùng đất rồng Long An trở nên hùng mạnh và thịnh vượng. Với sự hậu thuẫn lớn cùng tiềm lực mạnh sẵn có, Long An sẽ trở thành địa phương phát triển đa dạng về giao thương và kinh tế, thu hút nhiều đầu tư quan trọng của trong và ngoài nước. Dự báo cho thấy, đời sống kinh tế – văn hóa của Long An sẽ có những bước trở mình để xứng tầm một địa phương hùng mạnh ở miền nam.

 

(Theo Khám phá)

Bài viết liên quan: