Giá bất động sản liên tục có dấu hiệu tăng
Nhận định về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Việt Nam, chủ tịch hội môi giới BĐS cho biết giá cả BĐS liên tục có dấu hiệu tăng.
Theo ông Hà, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản tốt lên, lượng hàng tồn kho giảm, cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường. Cụ thể về giao dịch mua bán, cho thuê bất động sản, nhất là giao dịch nhà ở tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có hiện tượng tăng hay giảm đột biến.
Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng giao dịch nhà ở trung bình hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2017 ở Hà Nội và TP.HCM (2 thị trường lớn nhất cả nước) vào khoảng 1.300 – 1.500 giao dịch mỗi thành phố. Đây là thống kê những giao dịch lần đầu tại các dự án mới mở bán, không kể các giao dịch mua đi bán lại, hoặc các giao dịch nhà ở cũ. Lượng giao dịch tăng trung bình khoảng 5% hàng tháng một cách ổn định. Đây được xem là “tin vui” cho thị trường bất động sản nói chung và các môi giới nói riêng.
Ông Hà cho biết: “Mặt bằng giá cả bất động sản tương đối ổn định, sự biến động giá tăng trong năm khoảng 2% đến 7%. Trong một số dự án đặc thù có sự tăng giá đến 12% song không phải là trào lưu phổ biến. Cá biệt có sự tăng nóng đất nền ở một số vùng ven TP Hồ Chí Minh, nhưng sau khi được điều chỉnh đã ổn định trở lại”.
Cũng theo chủ tịch hội môi giới BĐS, trong những năm gần đây, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý. Trong đó, phân khúc căn hộ – chung cư đều được thiết kế có quy mô nhỏ và vừa nên tổng giá bán một căn hộ hay chung cư không quá lớn, phù hợp với khả năng chi trả của người mua.
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, cơ sở vật chất của xã hội, các sản phẩm bất động sản ngày càng phát triển đa dạng. Hiện nay, hầu hết các dự án phát triển bất động sản có mục đích sử dụng hỗn hợp: nhà ở, văn phòng, thương mại… tạo thuận lợi cho khách hàng trong sinh hoạt và sử dụng, góp phần tạo bộ mặt đô thị ngày một khang trang, đẹp hơn. Các công trình văn phòng, thương mại, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị được phát triển ngày một quy mô, hiện đại, vừa góp phần tạo lập cơ sở vật chất cho xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ đô thị trên cả nước.
Đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Hà cho biết trong 6 tháng đầu năm thị trường này đã có bước phát triển đột phá, nhất là mô hình timeshare. Có thể nói năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là thời điểm của bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam là thị trường có nhiều dự án được triển khai như: Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Quốc…
“Về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt nam có nhiều cơ hội mạnh mẽ. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa kèm theo là tốc độ đô thị hóa tưng, dự kiến đến năm 2025 đạt 40%, kéo theo nhu cầu về nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị cũng sẽ tăng nhanh” – ông Hà cho biết thêm.
Theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì hàng năm nước ta cần xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhà ở của người dân, công nhân khu công nghiệp. Bên cạnh, đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện đáng kể dẫn đến nhu cầu về đời sống tinh thần, du lịch ngày một tăng. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã hội nhập quốc tế và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Theo thống kê năm 2016, cả nước đã đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 62 triệu lượt khách trong nước, kéo theo là nhu cầu về bất động sản du lịch cũng tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.
Bài viết liên quan: