MENU
Giờ làm việc: 08h00 - 17h00

Tiết giảm nội thất “ăn gian” thêm diện tích

Tiết giảm nội thất “ăn gian” thêm diện tích

Trong kiến trúc hiện nay, xu hướng “less is more” (càng ít càng tốt) hay “minimalist” (tối giản) ngày càng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những gia đình trẻ – những người năng động, yêu thích cuộc sống tự lập, đơn giản nhưng tiện lợi.

Khởi nguồn xu hướng

Kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969), bậc thầy kiến trúc hiện đại thế giới, là cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản. Quan điểm của ông thể hiện ở câu châm ngôn nổi tiếng “Less is more” (Ít là nhiều). Những công trình của Mies van der Rohe đã đặt nền móng cho phong cách kiến trúc tối giản với việc tổ chức không gian kiến trúc, với kết cấu – vật liệu mới là thép và kính.

Ở phương Đông, Nhật Bản được coi là bậc thầy của phong cách tối giản trong kiến trúc, tương đồng với văn hoá truyền thống và Thiền tông Nhật Bản (Zen). Chính vì lẽ đó, kiến trúc tối giản hoà nhập với văn hoá truyền thống Nhật Bản, kết hợp nhuần nhuyễn của không gian và ánh sáng, của sự giao hoà của kiến trúc và thiên nhiên, mang một cá tính đặc sắc và đầy sáng tạo.

Giá trị từ xu hướng kiến trúc tối giản

– Ít là nhiều (Less is more): Tất cả những gì không cần thiết được coi là thừa thãi và được loại bỏ, từ đường nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất. Màu sắc nội thất cũng được hạn chế, thường không quá ba màu với một màu nền, một màu chủ đạo, một màu nhấn; mà màu nền là màu của những bức tường. Đây là đặc điểm nhận dạng dễ nhất.

– Khai thác giá trị không gian: Kiến trúc tối giản hướng tới giá trị đó và tạo lập không gian chặt chẽ, khúc chiết, cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng; và tiết chế trong sử dụng vật liệu, màu sắc… Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến trong phong cách “minimalist” như một phông nền nhằm tăng giá trị và sự ấn tượng cho các đồ đạc xung quanh. Sử dụng màu sắc đơn giản, hợp lý, tránh những màu quá sặc sỡ hoặc nhiều màu sẽ đem tới tổng thể rối ren và hỗn độn.

– Hướng tới gu thẩm mỹ của gia chủ: Một kiến trúc sẽ… tối giản khi chủ nhân hiểu rõ được gu thẩm mỹ của chính mình, và kiến trúc sư chuyển hoá sự thấu hiểu đó bằng ngôn ngữ kiến trúc trong việc pha trộn màu sắc, cùng các trang thiết bị nội thất tinh tế, tiết giảm nhưng vẫn đảm bảo đúng công năng sử dụng cho chủ nhà.

– Nghệ thuật ánh sáng: Với kiến trúc tối giản, ánh sáng rất quan trọng, nhất là ánh sáng tự nhiên. Màu sắc trang trí bị hạn chế nên ánh sáng là thành phần chủ đạo tạo nên giá trị thẩm mỹ cho căn hộ. Ánh sáng tự nhiên phải được chủ định trong thiết kế để nhấn mạnh và làm nổi bật hình khối kiến trúc, nội thất hoặc tạo nên những khối sáng, bóng đổ theo ý muốn… Các hình thức phổ biến để tận dụng ánh sang tự nhiên như xây giếng trời, mở rộng kích thước khung cửa, thiết kế cửa sổ nằm sát nền nhà, sử dụng gương để hút ánh sang tự nhiên, sử dụng vách ngăn kính, tạo khoảng thông giữa các phòng,…

Kiến trúc tối giản ở Việt Nam?

Đa số tâm lý người Việt Nam thích phong cách rườm rà nhiều chi tiết, những giá trị tinh thần; phong cách sống, làm việc chưa thực sự khoa học và công nghiệp; trình độ và sự tiếp nhận thông tin giữa chủ nhà và kiến trúc sư còn hạn chế.… là những nguyên do chưa thể đi tới phong cách kiến trúc tối giản đúng nghĩa. Trong xu hướng chung của kiến trúc hiện đại, kiến trúc Việt Nam cũng có nhiều thay đổi tinh giản hơn. Trên thực tế, phong cách này hoàn toàn không đòi hỏi những yếu tố thuận lợi về quy mô, vị trí, rất phù hợp ở điều kiện nước ta với thể loại nhà ở có quy mô vừa và nhỏ.

Mặt khác, khi hạn chế, lược bớt những gì không cần thiết để đi tới sự tối giản, đồng nghĩa với những thành phần còn lại phải đảm nhận thêm nhiều chức năng. Đó là một vấn đề vướng mắc rất cụ thể bởi những yếu kém về vật liệu, kỹ thuật, công nghệ, trình độ thi công, và tất nhiên cả lý do kinh tế cùng phương thức sản xuất. Quan trọng hơn là chủ nhân đi tới và nhìn thấy được bản ngã, có tư duy và tâm hồn trong sáng; thì sự tối giản mới có thể hiện hình. Nếu không, nó chỉ là một sự khiên cưỡng, một cuộc “hôn nhân” gượng ép và chắc chắn kiến trúc tối giản đó, nếu được dựng lên cũng không thể tồn tại lâu bền.

(Nguồn: Thắng Lợi Group)

Bài viết liên quan: