MENU
Giờ làm việc: 08h00 - 17h00

Doanh nhân bàn chuyện ‘sống sót’ thời Covid-19

Doanh nhân bàn chuyện ‘sống sót’ thời Covid-19

(TBKTSG Online) – Chuẩn bị kịch bản, quản lý dòng tiền tốt, chính sách nhân sự thông suốt và duy trì các hoạt động tối thiểu để tìm “cơ” trong “nguy”, là những chia sẻ của nhiều doanh nhân trong Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (thuộc Saigon Times Club), tại cuộc tọa đàm “Giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19” diễn ra tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 27-3.

Các diễn giả tại tọa đàm thảo luận về giải pháp cho doanh nghiệp thời Covid-19. Ảnh: Thành Hoa

Lên kịch bản gặp F0

Trong giai đoạn dịch Covid-19 lây lan nhanh và số người nhiễm bệnh gia tăng, chuyện gặp phải những F1, thậm chí F0 là điều không ai mong muốn, nhưng đa phần doanh nghiệp tin rằng cần phải thiết lập một kịch bản như nêu trên.

“Thắng Lợi ngay từ đầu đã đặt kịch bản F0 hoặc F1, khi đó văn phòng sẽ bị phong tỏa, quản lý lẫn nhân viên đi cách ly. Công ty đã chia các bộ phận ra làm 2 nhóm, không ngồi chung một văn phòng, làm việc trực tuyến và khử khuẩn hằng ngày”, ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 nhiệm kỳ 10 cho biết.

Tương tự, ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt, cho biết ngay từ khi dịch bệnh “chớm nở”, công ty ông đã đặt ra những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

“Trong trường hợp xấu nhất, có 60% bộ phận ở nhà làm việc online, nhưng công nhân sản xuất hay công nhân tại kho bãi bắt buộc phải trực chiến ngoài mặt trận. Vì vậy sẽ hạn chế tối đa việc giao tiếp trực tiếp, kể cả bộ phận giao nhận phải khử trùng sau đó mới nhận hàng”, ông Xuân Anh kể.

May Sơn Việt cũng sở hữu nhiều nhà kho ở nhiều địa điểm khác nhau nên cũng “rải” đều các nguyên liệu và thành phẩm. Nhờ đó, dù xưởng này có phong tỏa thì xưởng khác vẫn sản xuất được hàng, giảm một phần năng suất nhưng cũng giảm rủi ro.

Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt, nguyên Chủ tịch CLB DN 2030 nhiệm kỳ 7. Ảnh: Thành Hoa

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Mắt Bão, chia sẻ từ sau Tết Nguyên đán công ty đã “tập luyện” ở chế độ nửa làm việc ở nhà, nửa đến văn phòng. Đến đầu tháng 3 thì dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn nên tỷ lệ này nâng lên 80%. “Mật độ pha loãng cộng với quy trình phòng ngừa sẽ giúp tạo ra sự yên tâm cho đội ngũ nhân viên làm việc tại trụ sở”, ông Duy bình luận.

Lo lắng cho nhân viên chính là chính sách đầu tiên mà các doanh nhân nhắc đến. Đây cũng vốn là chính sách vô cùng nhạy cảm trong thời điểm hiện nay, càng gay gắt hơn ở một số ngành nghề. Cho nghỉ thì không đành lòng, mà giữ lại thì cạn kiệt dòng tiền, khó lòng cầm cự qua mùa dịch.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 ngày càng rõ hơn đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ, cùng lúc là 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Ghi nhận mới nhất cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP trong quí 1 năm nay ở mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 3,8%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, cho thấy sự khó khăn trực tiếp đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Chẳng hạn như trường hợp của trung tâm xét nghiệm y khoa SDG Life. Theo ông Dương Ngọc Cường, Tổng Giám đốc SDG Life, rất khó để tìm kiếm nhân sự phù hợp vì trung tâm của ông tốn khá nhiều thời gian để đào tạo và chọn lựa nhân sự phù hợp với quy trình của trung tâm. “Chính vì vậy, việc cắt giảm nhân sự là hết sức nhạy cảm với ngành nghề chúng tôi”, ông Dương Ngọc Cường, SDG Life cho biết.

Tương tự, ông chủ của Thắng Lợi cũng nhận định rằng công tác truyền thông nội bộ là đặc biệt quan trọng. “Việc đầu tiên là phải ổn định tâm lý cán bộ nhân viên toàn hệ thống, đồng thời phải giữ năng suất làm việc của từng cá nhân, đảm bảo đầu việc của từng phòng ban”, ông Thành cho biết.

Nhưng trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì sao, khi người lao động phải đi cách ly? Theo ông Xuân Anh, bộ phận nhân sự cần đảm trách vai trò đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi nghỉ việc, đặc biệt là nghỉ vì cách ly thì bên bảo hiểm cũng có chính sách hỗ trợ.

Diễn giả khử khuẩn khi vào tọa đàm. Ảnh: Thành Hoa

Quản lý dòng tiền hợp lý để “sống sót”

Theo ông Dương Long Thành, tại thời điểm sau Tết Nguyên đán, khi dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán, Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa nghĩ đến kịch bản xấu, nhưng khoảng giữa tháng 2 khi dịch bắt đầu bùng phát ở châu Âu thì doanh nghiệp đã nghĩ đến kịch bản “kép” sẽ xảy ra, tức cả dịch bệnh và suy thoái.

Để ứng phó, Thắng Lợi quyết định cắt giảm 30% chi phí ở các bộ phận. Doanh thu cũng sẽ giảm nên phải đánh giá lại các dự án đầu tư và ưu tiên theo thứ tự, với mục tiêu là duy trì nguồn tài chính để hoạt động. “Chúng tôi tính đến tình huống xấu nhất là đại dịch kéo dài đến quí 4 năm nay, thậm chí dư âm đến cả năm 2021” ông Thành cho biết.

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, Chủ tịch CLB DN 2030 nhiệm kỳ 10 .Ảnh:Thành Hoa

Ở góc độ quản trị, ông Vũ Việt Hùng, Phó Giám đốc, Khối Dịch vụ tái cấu trúc doanh nghiệp, Công ty TNHH PwC Việt Nam, cho rằng trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí cố định, thậm chí chuyển đổi các mô hình hoạt động trực tuyến để tăng doanh số. Các biện pháp quản lý tính thanh khoản, đặc biệt là quản lý vốn lưu động là rất quan trọng trong nhóm này.

“Còn về dài hạn, doanh nghiệp cần xác định và đánh giá lại tiềm năng thị trường sau khủng hoảng, chuẩn bị nội lực, đón đầu chính sách kích cầu của chính phủ, đón đầu tăng trưởng sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt sau đại dịch”, ông Hùng nhận định.

Ông Vũ Việt Hùng, Phó Giám đốc, Dịch vụ tái cấu trúc doanh nghiệp, Công ty TNHH PwC Việt Nam. Ảnh: Thành Hoa

Tìm “cơ” trong “nguy”

Năng động chuyển đổi để tìm nguồn doanh số mới là điều mà các doanh nhân cần phải nghĩ đến đầu tiên nếu muốn thích nghi với dịch bệnh.

Như trường hợp của May Sơn Việt, sau những lần gián đoạn về nguồn cung nguyên liệu ở nước ngoài, công ty chuyển hướng sang nhập hàng trong nước. Nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên quy mô toàn cầu nên đơn hàng cũng hủy hoặc ngưng. Ngay lập tức, May Sơn Việt tổ chức lại hệ thống để sản xuất khẩu trang.

“Công suất của chúng tôi lên đến 1 triệu cái/tháng nhưng vẫn chưa đủ trong nước, chứ đừng nói đến xuất khẩu”, ông Xuân Anh nhìn nhận. Theo chia sẻ của ông chủ May Sơn Việt, còn rất nhiều doanh nhân khác sáng tạo trong mùa dịch này, như việc Nguyễn Kim bán thực phẩm, hay hệ thống nhà hàng Rạn Biển chuyển sang bán hải sản trực tuyến, đóng gói thành từng món, người mua chỉ việc về chế biến.

Nhưng sự cầm cự của doanh nghiệp tất nhiên có giới hạn. Một số doanh nhân bắt đầu ngồi bấm “đồng hồ” và chờ đợi dịch hết hẳn rồi mới quay lại. Tuy nhiên, theo các diễn giả tại tọa đàm, chúng ta không thể ngồi không chờ dịch bệnh tự đi qua mà phải tìm cách ứng phó.

“Nhiều người đặt câu hỏi bao giờ mới hết dịch, nhưng rõ ràng chúng ta không thể chờ. Đằng sau chúng ta là con người, nhân viên và khách hàng đang chờ phục vụ’, ông Cường, SDG Life nhìn nhận.

T.S Dương Ngọc Cường,Tổng giám đốc SDG LIFE. Ảnh: Thành Hoa

Một số doanh nghiệp thì rất lạc quan, như trường hợp của Công ty TM và ĐT Du lịch Rồng Việt, vẫn duy trì một khoản nhỏ ngân sách để làm quảng cáo. “Khách hàng sẽ không quan tâm đến sản phẩm trong giai đoạn này, nhưng mình vẫn xuất hiện để họ biết là mình vẫn đang duy trì, cung cấp cho họ nhiều thông tin cần thiết về du lịch, để họ có thể có nhiều lựa chọn hơn sau này”, bà Nguyễn Thị Kim Tiếng cho biết.

Còn bà Lê Thị Thanh Thương, Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban đối ngoại Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho rằng doanh nghiệp không hẳn “ngủ đông” hoàn toàn, thay vào đó có thể là tập trung nghiên cứu phát triển, sáng tạo ra các sản phẩm mới, như câu chuyện bánh mì thanh long của ông chủ hiệu bánh ABC, ông Kao Siêu Lực.

Hiện tại, một số chính sách hỗ trợ ban đầu đã được đưa ra, từ phía Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, thông qua những gói cho vay giảm lãi suất, hỗ trợ tái cơ cấu nợ, cho đến giãn thời hạn nộp thuế hay bảo hiểm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng phản ánh rằng việc hỗ trợ từ phía các ngân hàng thương mại vẫn còn khá chậm chạp.

Theo bà Thanh Thương, nếu gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn, các doanh nghiệp có thể làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM để nhờ hỗ trợ. TPHCM cũng có quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng là một kênh để tham khảo.

Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19. Ảnh: Thành Hoa.

Theo chia sẻ của các doanh nhân, đây là thời điểm mà các chính sách hiện nay của Chính phủ đang ưu tiên hàng đầu là chống dịch. Vì vậy đi kèm theo đó phải là tinh thần lạc quan, đồng lòng và chung niềm tin chống dịch.

Tuy nhiên, trong tương lai khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng chính sách hỗ trợ sẽ toàn diện và chi tiết hơn, đi xuống thẳng đến từng doanh nghiệp. “Việc hỗ trợ cũng quan trọng như chống dịch, cần phải làm quyết liệt”, ông Thành nhận định.

Buổi tọa đàm “Giải pháp doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19” được tổ chức trực tuyến (livestream) tại tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 27-3. Quý độc giả có thể xem lại toàn bộ chương trình tại Fanpage Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

 Thắng Lợi Group Tổng hợp

Bài viết liên quan: