MENU
Giờ làm việc: 08h00 - 17h00

Loạt thương vụ M&A

Loạt thương vụ M&A

Việt Nam là quốc gia sẽ được hưởng lợi cao nhất nhờ vào các điều kiện linh hoạt so với các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) khác. Chính vì vậy, trong khoảng 4-5 năm tới, một số ngành kinh tế của Việt Nam sẽ hưởng lợi và có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Tại Hội nghị “Thị trường chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?”, được tổ chức tại Tp.HCM sáng 23/10/2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, nước ta đã đi được 50% chặng đường gia nhập TPP, còn 50% phần đường tiếp theo sẽ rất nhiều khó khăn. Những cơ hội hay lợi ích to lớn từ TPP sẽ không đến với Việt Nam ngay lập tức mà phải đợi đến giai đoạn sau khi thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn, có nghĩa là phải mất thêm 4-5 năm nữa.

Nhưng những lợi ích này đều phải đặt trong bối cảnh giả định rằng nền kinh tế thế giới sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng nào nữa, đồng thời sẽ không có một nước nào phá giá mục tiêu và không nâng thuế nội địa nhằm bù đắp lại phần miễn thuế theo hiệp định TPP.

MA-TPP

Hình ảnh minh họa

Theo ông Khánh, cơ hội từ TPP đối với doanh nghiệp trong nước đang rất lớn nhưng liệu chúng ta có biết cách nắm bắt hay không mới là vấn đề. Vấn đề này còn nằm ở tầm quốc gia khi Chính phủ đã chuẩn bị đủ điều kiện cơ sở hạ tầng cứng (đường sá, sân bay, cảng biển,…) và hạ tầng mềm (chính sách). Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước phải đổi mới tư duy từ thụ động sang chủ động và từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Ông Khánh nhấn mạnh, xu hướng M&A (Mua lại và sát nhập) trong thời gian tới sẽ thật sự nóng vì chúng ta đã rút được kinh nghiệm quản lý dòng vốn trên thị trường giai đoạn sau khi gia nhập WTO. Lúc ấy, vốn đầu tư gián tiếp chảy sẽ vào BĐS và chứng khoán quá lớn nhưng mang tính đầu cơ mạnh nên hình thành hiện tượng bong bóng tài sản. Thế nên thời điểm này, các nhà đầu tư ngoại khôn ngoan hơn trong các thương vụ M&A thông qua quá trình nghiên cứu kỹ doanh nghiệp nên dòng tiền vào BĐS sẽ ổn định hơn nhiều.

Đồng quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Sơn cho rằng, từ nay đến 3 năm tới, các thương vụ M&A sẽ rất sôi động trên thị trường. Những doanh nghiệp nào có uy tín thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh chắc chắn sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Quan điểm này cũng đúng với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại sự kiện trên. Cụ thể, BĐS là ngành được dự đoán sẽ nhận cú hích lớn từ làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với nhu cầu lớn về khu công nghiệp, biệt thự, căn hộ cao cấp, nhà phố và các khu nghỉ dưỡng… Hầu hết nhu cầu ở các phân phúc thuộc lĩnh vực BĐS dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới, vì Việt Nam đang là đích ngắm nhiều nhất trong khu vực ASEAN của các quỹ đầu tư BĐS nước ngoài.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Jen Capital cũng nhận định, một khi dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường BĐS sẽ lập tức tạo ra các thương vụ M&A lớn. Khi đầu tư BĐS tại Việt Nam, đa số các nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn vào một chiến lược dài hạn chứ không theo chu kỳ.

Mới đây, Giám đốc Dự án thuộc công ty Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cũng khẳng định, từ đầu năm 2015 đến nay đơn vị này đang làm trung gian cho nhiều tập đoàn BĐS nước ngoài trong việc mua lại đất và dự án BĐS tại Tp.HCM. Có một số thương vụ trong số đó trị giá hàng tỷ USD, dự kiến sẽ sớm được công bố vào cuối năm 2015 này.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư đang quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam như Quỹ Asia Capital Reinsurance hiện đang xem xét đầu tư các loại tài sản thông qua BĐS niêm yết hoặc đầu tư trực tiếp. Tương tự, Standard Chartered Private Equity cũng đang quan tâm đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân tại Việt Nam và sẵn sàng liên kết đầu tư. Mặt khác, có một số lượng lớn các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia và Philippines cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của chiếc bánh BĐS Việt Nam.

Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Việt phải hết sức bình tĩnh để đánh giá cơ hội đầu tư, để từ đó xây dựng kế hoạch xoay chuyển sao cho thích ứng với tình hình mới. Còn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chiến lược hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển dự án, vì thế, việc minh bạch hóa thông tin tài chính, quản trị… là những điều mà mọi doanh nghiệp cần chú trọng để tận dụng được cơ hội này.

Đặc biệt, các ý kiến cũng cho rằng quy định về chuyển nhượng dự án tại Việt Nam cần phải được cắt giảm hơn nữa để giúp các nhà đầu tư không đánh mất chi phí cơ hội. Ông Trân cho biết, hiện nay, thủ tục pháp lý để nhận chuyển nhượng một dự án phải mất gần 2 năm, chính vì vậy rất ít nhà đầu tư nào đủ kiên nhẫn để theo đuổi.

(Theo Trí thức trẻ)

Bài viết liên quan: